Áp lực tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước ngừng phát hành tín phiếu
Bắt đầu từ cuối tháng 9, để (1) khắc phục tình trạng thừa tiền trong hệ thống ngân hàng và (2) tránh tình trạng đầu cơ tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành lượng lớn tín phiếu ra thị trường.
Theo thống kê của VnEconomy, kể từ 21/9 đến 8/11/2023, Ngân hàng Nhà nước đã có 34 đợt phát hành tín phiếu với hình thức đấu thầu lãi suất, kỳ hạn 28 ngày. Tổng giá trị tín phiếu phát hành đạt 360.345 tỷ đồng. Ngày 19/10, lô tín phiếu đầu tiên đáo hạn. Cũng từ thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước giảm dần cường độ hút tiền qua kênh tín phiếu.
Luỹ kế từ 19/10 đến 8/11, Ngân hàng Nhà nước đã bơm trở lại thị trường 165.695 tỷ đồng, đưa lượng tín phiếu đang lưu hành về 194.650 tỷ đồng.
Trước đó, trong tháng 10/2023, tại những thời điểm đỉnh áp lực của tỷ giá, quy mô tín phiếu lưu hành lên tới 260 nghìn tỷ đồng (vượt xa so với cùng kỳ năm 2022 khi Ngân hàng Nhà nước chỉ hút ròng 150 ngàn tỷ đồng thanh khoản). Lãi suất trúng cuối tháng 10 lên tới 1,5%/năm, tăng đáng kể so với tháng trước.
Sau các động thái phát hành tín phiếu, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất trái phiếu chính phủ Việt Nam cũng đã có sự hồi phục nhất định.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam, lãi suất VND liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh trong tháng 10/2023 tại hầu hết các kỳ hạn. Lãi suất qua đêm và 1 tuần kết tháng lần lượt ở mức 1,37% (tăng 118 điểm so với cuối tháng 9) và 1,66% (tăng 126 điểm). Lãi suất 2 tuần, 1 tháng, 3 tháng và 6 tháng cũng theo đà tăng lần lượt lên mức 2,03%, 2,22%, 3,96% và 5,22%. Trong khi đó, lãi suất 9 tháng giảm 70 điểm xuống 6,62%. Thanh khoản thị trường kết tháng với tổng giá trị giao dịch đạt 4,7 triệu tỷ đồng, tăng hơn 13% so với tháng trước.
Tuy nhiên, bước sang tháng 11, lãi suất VND liên ngân hàng giảm ở các kỳ hạn chủ chốt. Tại ngày 7/11, lãi suất VND liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm xấp xỉ 1%/năm.
Những nỗ lực điều tiết trên thị trường mở của nhà điều hành cùng với việc FED tạm dừng tăng lãi suất trong cuộc họp tháng 11 vừa qua đã khiến DXY đảo chiều giảm mạnh. Ở trong nước, tỷ giá liên ngân hàng USD/VND tại ngày 7/11 đạt 24.325 đồng (-0.2% MoM); giảm mạnh hơn 1% kể từ vùng đỉnh.
Cụ thể, FED đã giữ nguyên lãi suất ở mức 5,25-5,5% trong kỳ họp đầu tháng 11 vừa qua. Phát biểu với truyền thông, ông Powell đã đưa ra luận điểm có thể dừng lộ trình nâng lãi suất; chờ đợi thêm độ thẩm thấu của môi trường lãi suất cao lên nền kinh tế trước khi có những hành động chính sách mới.
Ngắn hạn, giới phân tích cho rằng FED sẽ tiếp tục không nâng lãi suất trong kỳ họp tháng 12 bởi loạt số liệu vĩ mô cân bằng: (1) số liệu việc làm phi nông nghiệp tháng 10 đạt 150 ngàn (dự báo 180 ngàn), (2) đơn trợ cấp thất nghiệp đạt 217 ngàn (dự báo 212 ngàn), (3) PMI dịch vụ - sản xuất ở mức trung lập ~50 điểm, (4) giá dầu điều chỉnh liên tiếp, giảm 14% kể từ vùng đỉnh; xoa dịu áp lực lạm phát.
Như vậy, áp lực tỷ giá có phần nguôi ngoai so với giai đoạn trước. Ngoài ra, nguồn cung ngoại tệ được đảm bảo khi (1) cán cân thương mại duy trì thặng dư, (2) nguồn đầu tư ngoại trực tiếp FDI kỷ lục, (3) dự trự ngoại hối giữ ở mức cao 93-95 tỷ USD, (4) lợi suất trái phiếu chỉnh phủ Mỹ biến động giảm nhanh, giảm áp lực rút ròng dòng vốn đầu tư trên thị trường.
Với áp lực tỷ giá hạ nhiệt, Ngân hàng Nhà nước có thêm dư địa để duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng nhằm thúc đẩy nền kinh tế, bám sát các mục tiêu vĩ mô cho giai đoạn cuối năm 2023.